Áp dụng GLOBAL G.A.P và ISO 22000 ngành nông nghiệp sẽ vươn xa

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, đến nay chiếm gần 1/4 GDP. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, nông sản xuất khẩu của chúng ta đang đứng trước thách thức lớn: xuất nông sản thô, hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ thấp…

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, đến nay chiếm gần 1/4 GDP. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, nông sản xuất khẩu của chúng ta đang đứng trước thách thức lớn: xuất nông sản thô, hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ thấp… Giải pháp nào cho thách thức này trong tương lai?

“Vàng” chưa khai thác…

Th.S Phạm Xuân Thu nêu ra con số khảo sát về tình hình xuất khẩu nông sản của cả nước liên tục tăng. Năm 2009 đạt hơn 15 tỷ USD thì năm 2010 là 19 tỷ USD, năm 2011 là 25 tỷ USD và năm 2012 là 27,5 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam đã xuất sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế cơ bản của Việt Nam, chiếm hơn 70% lao động. Thế nhưng, vấn đề được các nhà khoa học đặt ra tại hội thảo khoa học “Cải tiến liên tục chất lượng, tăng cường trách nhiệm xã hội và tái lập doanh nghiệp để tồn tại và phát triển” do Hội Chất lượng TPHCM tổ chức vừa qua là làm sao nâng chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm kém chất lượng như lâu nay.

“Cả nước có đến 9 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, tính mỗi năm sản phẩm lúa đạt 3 triệu tấn. Thế nhưng, chúng ta chưa quy hoạch vùng chuyên canh rộng rãi, chưa xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế”, PGS-TS Võ Phước Tấn nói. Luật sư Trần Hải Đức bức xúc: Hàng nông sản của chúng ta chưa có tiêu chuẩn đánh giá, nhiều hàng hóa đến cửa khẩu các nước kiểm tra mới phát hiện không đạt chuẩn, bị trả về, thiệt hại quá lớn. Ở trong nước thì vấn đề thực phẩm có thuốc trừ sâu, rau không an toàn đang nóng lên trong những năm gần đây, nhất là khi một số bếp ăn công nghiệp xảy ra ngộ độc thực phẩm… Do vậy, bên cạnh việc “chuẩn hóa” sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất, chúng ta cũng cần xây dựng hàng rào tiêu chuẩn thực phẩm để tránh thực phẩm bẩn từ nước bạn tràn vào.

Tại hội thảo, PGS-TS Võ Phước Tấn đặt vấn đề: Tại sao Thái Lan có gạo sinh thái mà Việt Nam chỉ có gạo thâm canh? Rõ ràng, chúng ta có “kho vàng” nhưng chưa được khai thác. Ông đề nghị, Chính phủ cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người nông dân nhiều hơn nữa, trước hết là xây dựng vùng chuyên canh, theo quy chuẩn, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, lãi suất cho nông dân. Còn TS Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, cho rằng cần nhanh chóng tổ chức mạng lưới, chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp xanh – an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế. Liên kết các “nhà” để phát triển công nghiệp chế biến nông sản mới có thể làm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. “Cần cải tiến liên tục chất lượng thì nông sản Việt Nam mới tồn tại bền vững và phát triển”, TS Ngô Văn Nhơn nói.

Phải theo luật chung

Thực trạng độ ổn định chất lượng nông sản thấp, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, chất bảo quản đáng lo ngại khiến cho việc tăng trưởng của nông sản chúng ta thiếu bền vững. Vì thế, “Nâng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam thông qua việc áp dụng rộng rãi các hệ thống tiêu chuẩn đảm bảo quốc tế Global GAP và ISO 22000 là việc làm cấp thiết nhất hiện nay”, PGS-TS Võ Phước Tấn nói. Global GAP và ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an toàn thực phẩm, được xây dựng bởi các nhà sản xuất, tổ chức dịch vụ bán lẻ, nhà cung cấp… áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. ISO 22000 trong ngành nông nghiệp được xây dựng bởi 187 quốc gia, được áp dụng từ năm 2005. Còn Global GAP hiện nay được hơn 123.000 nông trại và nhà sản xuất trên thế giới áp dụng.

Thế nhưng, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng Global GAP và ISO chưa nhiều. Chỉ khoảng vài chục đơn vị ở miền Tây tham gia chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong đó chỉ một số đơn vị thành công như Công ty CP Chế biến Thủy sản Ntaco với 32ha nuôi cá tra; Công ty CP thủy sản Việt An với 2 vùng nuôi cá 40ha; Công ty Ngọc Xuân với 10ha nuôi cá; Công ty CP Dabaco với khoảng 100ha nuôi cá tra…

Do vậy, TS Phạm Châu Thành cho rằng, muốn tham gia luật chơi chung, người dân và doanh nghiệp cần liên kết sản xuất và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế mới giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Các tổ chức, hiệp hội nên tập hợp hướng dẫn cho nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản đúng chuẩn quốc tế. Có như vậy, sản phẩm của chúng ta mới tham gia được cuộc chơi chung. Chỉ khi có một phương pháp sản xuất thích hợp gắn với các tiêu chuẩn chất lượng ổn định thì các doanh nghiệp nông sản Việt Nam mới vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu một cách an toàn.

Theo Han Ni – Bộ Nông nghiệp và PTNT

Tin Liên Quan