Sáng 6/4, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp trên. “Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh”, ông nói.
Ông nhận định, có được được điều đó vì Việt Nam có sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Nhưng theo ông, đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có nhiều hành động rất đẹp ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP.
Ông Đam nói, Việt Nam đã trải qua một tháng kể từ giai đoạn hai của dịch bệnh (khi phát hiện ca bệnh 17), nếu tính từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên thì đã qua hai tháng rưỡi. Lúc đó, Việt Nam là một trong số vài nước có người nhiễm nCoV.
Đến nay, dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, Việt Nam có 241 người nhiễm, đứng thứ 96 trên thế giới; là một trong số ít nước có hơn 200 ca nhiễm nhưng chưa có người tử vong.
“Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”, Phó thủ tướng nhận định.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan.
Về công tác hậu cần, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ chống dịch và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập để thay thế nguồn nhập khẩu.
“Số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ… đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân nhiễm nCoV. Tiểu ban hậu cần đang lên phương án chuẩn bị trang thiết thiết bị, vật tư y tế cho các tình huống xấu hơn, để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả”, Thứ trưởng Cường nói.
Để ngăn chặn dịch lây lan trong các cơ sở y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đã yêu cầu các bệnh viện phải xét nghiệm nCoV hoặc cách ly tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng.
Tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nghiễm nCoV phải trang bị đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm nCoV.
Các bệnh viện bố trí phòng khám ở bên ngoài các khối nhà chính, nhà nội trú để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế nhận người khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.
Đồng thời, các bệnh viện tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại… để giảm lưu lượng người đến; giãn, hoãn việc mổ với các trường hợp trì hoãn được.
“Người dân trước đây khi khám bệnh thường đến thẳng bệnh viện, bây giờ trước khi đến thăm khám (trừ trường hợp cấp cứu) bà con nên liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… bảo đảm giãn cách xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.
Tại cuộc họp, Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết, tuần qua số lượng người nhập cảnh từ Lào, Campuchia về Việt Nam đã giảm tới 55%.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở một số nước Đông Nam Á rất phức tạp, dự báo số công dân Việt Nam về nước thời gian tới sẽ tăng lên. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng tiếp tục quản lý chặt đường biên giới; giao các Quân khu ở phía Nam bố trí khu vực tạm cư cho công dân về nước; tiếp tục tổ chức tốt công tác cách ly tập trung.